Qua đời Vương_Triều

Trong khi Vương Triều giữ chức tiết độ sứ, Vương Thẩm Tri giữ chức quan sát phó sứ. Theo ghi chép, khi Vương Thẩm Tri phạm lỗi, sẽ bị Vương Triều đánh, song Vương Thẩm Tri không oán giận. Khi Vương Triều nằm trên giường bệnh vào năm 897, thay vì giao lại quyền lực cho một trong bốn con (Vương Diên Hưng (王延興), Vương Diên Hồng (王延虹), Vương Diên Phong (王延豐), Vương Diên Hưu (王延休)), ông lại giao phó quân phủ sự cho Vương Thẩm Tri. Ngáy Đinh mùi tháng 12 ÂL, Vương Triều qua đời.[3]

Sau khi Vương Triều qua đời, Vương Thẩm Tri đề nghị giao lại quyền hành cho Tuyền châu thứ sử Vương Thẩm Khuê do Vương Thẩm Khuê lớn tuổi hơn, song Vương Thẩm Khuê từ chối vì cho rằng Vương Thẩm Tri có công lao lớn hơn. Sau đó, Vương Thẩm Tri xưng là lưu hậu, rồi được Đường Chiêu Tông bổ nhiệm làm tiết độ sứ.[3] Vương Thẩm Tri sau đó được Hậu Lương Thái Tổ phong tước Mân vương, Vương Diên Quân sau lại xưng đế, nước Mân tồn tại đến năm 946.[10]

Sau khi Vương Triều qua đời, được táng tại Phượng Kỳ Sơn thuộc thôn Bàn Long, trấn Loa Dương, huyện Huệ An của Tuyền Châu. Mộ của Vương Triều có quy mô to lớn thuộc kiến trúc mộ cổ thời Đường mạt và Ngũ Đại Thập Quốc, là một mộ có cấu trúc bằng đá cổ đại được bảo tồn tương đồi hoàn chỉnh. Năm 1996, tỉnh Phúc Kiến đã liệt mộ Vương Triều vào danh mục đơn vị văn vật được bảo hộ cấp tỉnh.

Sau khi qua đời, Vương Triều được người dân tôn làm "Uy Vũ Tôn vương" hoặc "Quảng Vũ Tôn vương". Tại Phúc Châu và những nơi khác có miếu thờ ông, được gọi là "Thủy Tây Đại vương" miếu, hoặc phối tự trong "Khai Mân Thánh vương" miếu (cùng với Thẩm Tri và Thẩm Khuê). Nhiều dòng họ Vương ở Phúc Kiến và Đài Loan cũng tế anh em Vương Triều như thủy tổ của mình.